Ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang phối hợp trong việc soạn thảo các quy định về tiền điện tử.
Nỗ lực của chính phủ nhằm quản lý ngành công nghiệp tiền điện tử tập trung vào những khía cạnh như bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư, ổn định tài chính, sử dụng bất hợp pháp, lãnh đạo trong tài chính toàn cầu, tài chính toàn diện, bao trùm và đổi mới có trách nhiệm. Sắc lệnh không bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo ngành cụ thể và không ban hành quy định mới dành cho công ty tiền điện tử.
Các nhà phân tích coi đây như một sự thừa nhận của Mỹ về tầm quan trọng của tiền điện tử và những rủi ro tiềm ẩn của chúng đối với hệ thống tài chính toàn cầu và Mỹ. Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với CNN: “Tiền điện tử đã phát triển bùng nổ”.
Bảo vệ nhà đầu tư
Sự biến động của tiền điện tử có thể gây tổn hại cho các nhà đầu tư. Do đó, bảo vệ nhà đầu tư là một trong những mục tiêu chính của sắc lệnh.
“Tổng thống đã đưa ra một cách tiếp cận tổng thể cho toàn chính phủ để hiểu rủi ro kinh tế vĩ mô và vi mô, rủi ro với từng cá nhân, nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào tiền điện tử”, một quan chức cho biết.
Giải pháp bao gồm nghiên cứu về công nghệ nền tảng của tiền điện tử, tìm hiểu những điểm yếu trong hệ thống tài chính hiện tại và những lĩnh vực hiện không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tương lai của tiền tệ
Sắc lệnh cũng yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ và một số cơ quan liên quan soạn thảo báo cáo về tương lai của hệ thống thanh toán và tiền tệ. Báo cáo liên ngành sẽ phân tích tác động của tiền điện tử đối với tăng trưởng kinh tế và tài chính, bao trùm tài chính, an ninh quốc gia và mức độ ảnh hưởng của đổi mới công nghệ.
Ngày 8/3, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Bộ đã và đang hợp tác với Nhóm hành động của Tổng thống về thị trường tài chính, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Cơ quan Quản lý Tiền tệ (OCC), nhằm nghiên cứu về tiền điện tử, đặc biệt là stablecoin, và đánh giá rủi ro của tài sản này.
Đồng USD kỹ thuật số
Lệnh hành pháp cũng yêu cầu các cơ quan xem xét khả năng phát hành tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC). Yêu cầu này gắn với những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong nghiên cứu về đồng USD kỹ thuật số. Các chi nhánh của ngân hàng trung ương đã công bố nhiều báo cáo trong những tháng gần đây, đánh giá các chính sách và công nghệ cần chuẩn bị trước khi phát hành CBDC.
Fed sẽ cần xem xét các tác động của CBDC đến an ninh quốc gia, nhân quyền và bao trùm tài chính để xác định liệu CBDC có thực sự phục vụ lợi ích quốc gia hay không. Tính riêng tư của đồng USD cũng là một vấn đề quan trọng.
Hơn 100 quốc gia đang xem xét CBDC để giao dịch trong nước cũng như quốc tế, theo một quan chức chính phủ. “Nhiều quốc gia trong số này đang cùng nhau thiết lập các tiêu chuẩn cho CBDC và hệ thống thanh toán xuyên biên giới”, quan chức này cho biết. “Với vị trí trung tâm của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, lệnh hành pháp sẽ giúp Mỹ đi đầu trong lĩnh vực này”.
An ninh quốc gia, hợp tác quốc tế
Lệnh hành pháp đề cập đến những thách thức điện tử đặt ra đối với an ninh quốc gia. Một quan chức cho biết chính phủ đã bắt đầu hành động để giải quyết những lo ngại này.
Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều có các đơn vị tập trung vào tội phạm liên quan đến tiền điện tử. Quan chức này cho biết: “Việc thiếu vắng các mạng lưới và khuôn khổ chống rửa tiền bằng tiền điện tử là lỗ hổng lớn nhất của các hệ sinh thái”.
Thực tế, đa số mạng lưới tiền điện tử không có các công cụ như sàng lọc danh tính và phi tập trung. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ cam kết làm việc với các đồng minh để định hình tương lai của hệ thống tiền điện tử theo hướng bao trùm, phù hợp với các giá trị dân chủ và bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo CoinDesk, FX Empire